Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 128: Thước đô (Hoàn chính văn)



So với ba mùa xuân hạ thu, mùa đông ở Mộng Đô có phần khắc nghiệt hơn.

Lưu vực ven sông thường rơi vào tình trạng lạnh ẩm, khiến người ta dễ bị tê cóng đến lở da, bá tánh sống ở phía nam thành này gần như không bao giờ rời tay khỏi ấm sưởi, trong nhà cũng thường đốt lò lửa nhằm giảm độ ẩm không khí.

Nhưng đối với hai người sống ở cuối con hẻm thì việc này chẳng thành vấn đề.

Sau khi sống lại, Ô Hành Tuyết đã không còn thân thể tà ma, oán hận quấn rịt trên người tiêu tan theo mây khói, nên lẽ dĩ nhiên chàng cũng không gặp tình huống vong hồn phản phệ cơ thể dẫn đến kiếp kỳ nữa.

Nhưng dầu sao, những oán hận kia đã từng bao vây linh phách chàng qua hàng trăm năm, đành rằng đã sớm tiêu tan nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện những cơn đau âm ỉ. Nó giống như việc bất chợt bước lên đất bằng sau quãng thời gian ngồi quá lâu trên một con thuyền nhỏ lênh đênh chìm nổi, sẽ tạo cho người ta cảm giác cơ thể vẫn còn rung rinh.

Đây không phải tổn thương thực sự, song vẫn cần tĩnh tu hai năm mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Từ lúc Ô Hành Tuyết tỉnh dậy đến giờ còn chưa tròn một năm, mùa xuân và mùa hè ở Mộng Đô rất mực dung dưỡng thân người, song khi đông tới, linh khí lập tức khó mà vận chuyển suôn sẻ, gây trở ngại cho việc tĩnh tu.

Ô Hành Tuyết không sợ đau, tất nhiên là chàng chẳng bận tâm gì chút trở ngại này nên xem nhẹ nó cực kỳ.

Nhưng Tiêu Phục Huyên để ý.

Chỉ cần thoạt thấy nét mặt Ô Hành Tuyết có hơi tái đi, hoặc ngón tay bắt đầu trở lạnh, là y lập tức túm người đưa vào phòng ngủ rồi khởi động một linh trận và đưa khí kình của mình vào kiểm tra.

Thật ra đây cũng là một giải pháp.

Khí kình Tiêu Phục Huyên thuần khiết và mạnh mẽ, xét trên phương diện nào đó thì đúng là có thể hỗ trợ thuyên giảm. Cứ chầm chậm ấn tuần tự lên các huyệt đạo trọng yếu suốt một ngày một đêm sẽ giúp việc vận chuyển linh khí thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhưng đây chỉ là “trên lý thuyết”.

Còn khi áp dụng vào thực tế, có khi kết quả sai lệch hơi nhiều.

Bởi cái cảm giác bị khí kình dạo quanh và đè ấn bên trong người có hơi… khó tả.

Lần nào cũng bắt đầu với việc “điều dưỡng”, sau đó đi được giữa chừng sẽ ngoặt sang một hướng khác. Kết quả là đám tiểu đồng tử lóc nhóc trong nhà đều bị bịt tai một cách bí ẩn, xong rồi cả bọn bị đẩy sang chỗ khác.

Có một đợt, bọn chúng không chịu tin, thế là chúng dừng rồi tiếp tục, tiếp tục rồi dừng, qua qua lại lại mấy lần như vậy, kết quả là kết giới trong nhà đặt liền tù tì năm ngày.

Suốt năm ngày…

Không thấy bàn ghế tủ giường gì hết.

Chót cùng, từ đường viền cổ đến khớp ngón tay, thậm chí cả đầu gối và mắt cá chân Linh Vương đại nhân đều nhuốm đỏ hửng mãi chưa phai. Ngay đến hơi thở cũng run run nhè nhẹ.

Chàng nắm giữ Tiêu Phục Huyên, hé mở đôi ngươi ướt át, nhìn thoáng qua phần eo hông đầy hỗn loạn rồi hơi cong cẳng chân dài lên. Tay còn lại của chàng đưa lên che mắt, mất không biết bao lâu mới lấy lại đủ bình tĩnh thốt lên một câu, “… Không được.”

Tiêu Phục Huyên cúi đầu xoa nguôi chàng bằng cách gieo hôn trên đầu ngón tay đang che mắt và hàng mi, trong giọng nói lộ vẻ biếng lười hiếm thấy, “Hửm?”

Ô Hành Tuyết nói, “Vẫn nên đổi chỗ khác thì hơn.”

Nếu cứ đà này, chàng chẳng chịu được nổi qua một mùa đông Mộng Đô đâu.

***

Tiêu Phục Huyên và Ô Hành Tuyết sống trong con hẻm này hơn nửa năm rồi ra đi giữa trời đông rét buốt. Họ tìm một vùng đất linh khác tại miền bắc rồi điều dưỡng thân thể hồi phục hoàn toàn.

Lúc họ rời đi, Ô Hành Tuyết đã đặt một lớp kết giới lên căn nhà kia. Nhờ lớp kết giới đó, khi những người tới lui trên con đường nhìn qua, khung cảnh ở cuối con hẻm trước đây ra sao thì sau này vẹn nguyên y thế, từ đầu đến cuối chẳng hề đổi thay.

Cứ như thể nơi đó chưa từng có người chuyển đến, và cũng chẳng một ai rời đi.

Bọn họ chỉ là những luồng sáng tình cờ loé ngang, không có ý phiền nhiễu một ai, cũng chẳng để lại mảy may dấu vết.

Song thực ra… vẫn có người nhớ rõ bọn họ.

Những bá tánh từng tranh luận trước đây trong quán trà đã ghé qua nơi cuối con hẻm ấy, về sau những dịp rỗi rãi, họ vẫn thường đi đường ghé ngang.

Vào một buổi chiều tà cuối xuân, một người trong số họ thoáng thấy một bóng hình trắng muốt như tuyết lướt trên gác cao, nhẹ nhàng đáp mình trên mái hiên, vươn tay đón lấy một nhúm hoa rơi, đoạn người đó cúi đầu nói cười gì đó với một người khác dưới sân.

Thực chất, ngày hôm đó tiểu đồng tử nghịch ngợm khiến kết giới bị rách, Ô Hành Tuyết phải lên mái hiên để đắp lại chỉ trong tích tắc.

Nhưng những người khác nào hay biết nguyên cớ sự việc.

Với những người tình cờ đi ngang khi đó, ấy chính là bóng dáng tiên nhân hiếm hoi, là khoảnh khắc một thoáng kinh hồng.

Mỗi lần kể lại thời khắc ấy với những người khác, vị bá tánh đó đều bảo tiên nhân trên lầu các khoác bạch y tuyết trắng, và nói con hẻm này có tiên duyên, đã từng có thần tiên cư ngụ nơi cuối hẻm, có lẽ rằng sau này sẽ lại có thần tiên xuất thế nơi này.

Chính vì thế, qua lời truyền miệng của người dân, con hẻm dài vô danh khi trước đã có cái tên.

Tên gọi hẻm Tuyết Y. (1)

Trăm ngàn năm sau, thế sự đổi dời, thành trấn sông hồ đã chuyển tên chẳng biết cơ man là bận, chỉ riêng ngõ hẻm nho nhỏ kia tự cổ chẳng đổi thay.

(1) Hẻm Tuyết Y là con hẻm bên bờ sông Tiền Đường, sau này trở thành nơi ở của nhà họ Tạ, nơi ra đời của Tạ Vấn, cũng tức là tổ sư gia Trần Bất Đáo trong Phán Quan.

***

Nhưng những lời này cũng là chuyện về sau, còn ngay lúc đó Ô Hành Tuyết và Tiêu Phục Huyên không hay biết được.

Sau khi giăng kết giới xuống cuối con hẻm, họ chưa dời đi phương Bắc ngay mà vẫn lân la trong thành thêm một đêm nữa. Họ nghe nói thành Mộng Đô này có chợ đêm mùa đông, thêm cả họ cũng nghe nhắc đến một cái tên…

Y Ngô Sinh.

Chợ đêm mùa đông Mộng Đô là sự hiện diện náo nhiệt hiếm gặp trong tháng chạp, vì khi ấy đã gần đến giao thừa. Mỗi năm, ngay đến những người sống ở khu vực lân cận toà thành chủ cũng sẽ tới, bao gồm vùng ven ngoại thành, các làng xóm, Bạch Lộc Tân, và cả Xuân Phiên thành.

Những người đang bàn chuyện phiếm chính là các bá tánh đang vận chuyển hàng đến chợ mùa đông, thông thường ắt hẳn họ lui tới rất nhiều nơi, nên dĩ nhiên là vô cũng rành rẽ “Xuân Phiên thành”.

Khi đang dắt xe băng qua các con phố, không biết ai đó chợt nói “Mấy ngày nay trời đổ tuyết, trở lạnh hơn trước nhiều quá, bệnh cũ cứ tái phát mãi không đỡ đi được”.

Thế là một người khác tiếp lời, “Ở Xuân Phiên thành có một vị thầy thuốc cực kỳ tài ba tên là Y Ngô Sinh, người này rất tốt bụng, anh đến tìm xin bốc thuốc thử xem.”

Người bên cạnh anh ta phụ hoạ tức thì, “Đúng vậy đúng vậy, hầy, vừa đúng dịp! Hai ba năm nay năm nào anh ta cũng đến chợ mùa đông, năm nay chắc là cũng đến đấy. Anh thử canh xem, xe ngựa của anh ta thường hay dừng lại ở…”

Người nọ ngước mặt lên rảo tìm, thấy đèn đóm đã bắt đầu giăng cao trong chợ mùa đông cách đó không xa. Trông nó tương tự với những khu chợ náo nhiệt khác dưới nhân gian, ánh đèn nối tiếp nhau soi rực một khoảng trời rộng lớn.

Người nọ chỉ tay tới một nhà trọ ở gần lối vào chợ rồi nói, “Ở căn đó, gần lắm, nghe nói… ớ?!”

Đang nói dở, anh ta chợt hô lên một tiếng, đoạn vỗ vãi người bạn đang mắc bệnh của mình. “Khéo quá! Xem vận may của anh kia kìa, nhìn thấy xe ngựa đó không! Chẳng phải là xe ngựa đó sao!”

Ô Hành Tuyết và Tiêu Phục Huyên đang đi trước họ một chút, gần như vào tới chợ mùa đông rồi thì nghe được câu “Khéo quá”, thế là hai người đồng loạt ngừng bước, ngoái đầu nhìn theo hướng cậu ta chỉ.

Căn nhà trọ đó chỉ cách bọn họ mấy bước, chiếc xe ngựa kia vừa vòng qua đầu con phố, tiếp đó đánh lộc cộc mấy tiếng rồi dừng lại trước cửa nhà trọ.

Cửa xe ngựa phát ra tiếng cót két, sau đó một bóng hình gầy ốm nho nhã quen thuộc từ trên xe bước xuống. Thế nhưng hắn không đi vào nhà trọ ngay lập tức mà đứng bên hông xe và đưa tay ra đỡ một cô gái bên trong xe ra ngoài.

Từ cách đó không xa, giọng các bá tánh nọ loáng thoáng truyền đến, “Nhìn kìa, đó chính là Y Ngô Sinh và vợ của anh ta, phó đường của nhà họ Hoa.”

Sắc trời khi đó đã nhuốm bụi tuyết, dưới ánh đèn dầu trông càng thêm thanh thoát huyền ảo. 

Trên mặt đất còn đọng tuyết rơi từ hai hôm trước, bị chân người đạp lên mỏng đi đôi chút và có hơi trơn. Hoa Chiếu Đài nắm lấy tay Y Ngô Sinh, khi bước từ trên xe xuống lại xui rủi giẫm trúng lớp băng mỏng nọ.

Người tu hành khó mà bị trượt chân vì một tầng băng mỏng như vậy. Song nàng vẫn “Ái da” lên một tiếng như đang muốn doạ người khác, đồng thời giả vờ lảo đảo.

Y Ngô Sinh giơ tay lên giữ lại theo thói quen, làm thế nào mà lôi kéo khiến người ta lảo đảo từ giả thành thật.

Hoa Chiếu Đài: “…”

Hai người giữ lấy nhau lắc lư một phen, sau mới đứng vững lại được. Vừa nghĩ lại “chuyện dư thừa” mình vừa làm, cả hai đều không khỏi bật cười.

Bấy giờ, Y Ngô Sinh mới ngước mặt lên, tình cờ chạm phải ánh mắt đang nhìn sang của Ô Hành Tuyết và Tiêu Phục Huyên.

Y Ngô Sinh vẫn giữ đúng phong thái của một người nho nhã, hễ chạm phải ánh mắt với bất kỳ người qua đường nào cũng sẽ gật đầu hành lễ nhẹ nhàng. Thành thử, hắn gật đầu với Ô Hành Tuyết và Tiêu Phục Huyên, đồng thời mỉm cười cất giọng ôn hoà, “Đã khiến nhị vị công tử chê cười.”

Ô Hành Tuyết ngẩn ngơ một chốc rồi mới mỉm cười đáp lễ. “Nào có.”

Tâm trạng chàng vui vẻ hẳn lên ngay thời khắc ấy.

Lúc trước bọn họ phải hứng chịu quên lãng của người đời, âu cũng vì những thời khắc như này đây…

Ông chủ nhà trọ ra cửa tiếp đón, đoạn dẫn Y Ngô Sinh và Hoa Chiếu Đài vào trong. Ở đầu chợ, mấy vị bá tánh đang có sở cầu cũng tức tốc tháo dỡ hàng hoá trên xe xuống rồi đi theo vào.

Ngay vào lúc đó, tuyết trở nặng, chỉ trong chớp mắt mà đường xe ngựa chạy đã phủ tuyết trắng dã một mảng, nhìn vào như ngọc thạch.

Chim trời nhập bọn bay sang, lướt qua chân trời giữa màn bụi tuyết rồi lại nhấp nhô chìm vào bóng đêm đang dần bao phủ.

Một bên là tiếng xe ngựa đánh vang lộc cộc, bên kia là tiếng người huyên náo dưới ánh đèn giăng dệt của chợ đêm mùa đông.

Ô Hành Tuyết ngước mắt bao quát một vòng, nhướn nhẹ mi với Tiêu Phục Huyên rồi cất giọng nhỏ nhẹ, “Nhìn xem, ‘Thước Đô’.”

“Ừm,” Tiêu Phục Huyên nhìn quanh một phen rồi ấm áp tiếp lời, “Thước Đô.”

***

Bọn họ rảo bước trên phố phường dưới ánh đèn dầu.

Ở nơi đây có quán trà quán rượu, có tiên sinh giảng giáo, có xe bán hàng nghi ngút khói cùng hầu bàn hô hào to tiếng, có muôn vàn linh bảo. Kể ra, cũng không khác biệt là bao so với hội chợ đèn hoa hạnh mai tháng ba hay phố núi Lạc Hoa. Dầu vậy, cái người trời sinh yêu thích rộn ràng khói lửa nhân gian vẫn ngắm nhìn tràn đầy hứng thú.

Cứ như thể, dẫu những nhộn nhịp có tương tự thì người ta vẫn không ngừng ghé sang hết lần này đến lần khác mà chẳng màng xuân đông. Cũng biết rằng truyện kể cũng xoay quanh những yêu hận biệt ly nhưng đến nơi đâu, vẫn có người lắng nghe chuyện xưa mà hứng khởi mà bùi ngùi, sân khấu ngày ngày kín ghế.

Ô Hành Tuyết dừng chân trước một quầy hàng, vươn tay tháo xuống một chiếc mặt nạ khá thú vị. Chàng đang lật xem thì chợt thấy có ai đó vỗ vai mình khe khẽ.

Chàng quay đầu lại, trông thấy Tiêu Phục Huyên giữa ánh đèn đan xen. Chớp mắt như ấy cũng sao mà tương tự, hệt như mấy trăm năm về trước.

Ấy chính là điều Ô Hành Tuyết từng mơ tưởng, một dịp tương ngộ buổi đầu tuyệt đẹp nhất nhân gian.

Ở quán trà cách đó không xa, vị tiên sinh giảng giáo vỗ lên tấm gỗ, cất vang giọng xuyên qua ánh đèn và bụi tuyết vọng đến tai, “Năm Thanh Hà thứ ba trăm, Miện Châu đổ tuyết lớn. Tuyết đóng cứng thành băng dọc mười vạn dặm mặt biển Vô Đoan, trải miết đến chân trời…”

Ô Hành Tuyết hơi sững sờ, chàng chợt nhớ về khoảnh khắc mình mới tỉnh dậy. Sau khi đi thăm hỏi trên phố xá ngõ hẻm, Tiêu Phục Huyên về nói với chàng một chuyện.

Nói rằng niên hiệu hiện tại vẫn là Thanh Hà, việc sửa niên hiệu vẫn xảy ra giống như trước khi nhân gian tự hợp nhất, song nguyên do chẳng phải vì lửa cháy miệt mài mấy ngày ở Lạc Hoa Đài, mà vì hải thanh hà yến.

Vì lẽ đó, trong truyện kể nay đã không có “Thiên Thù”, cũng chẳng thấy “Thương Lang Bắc Vực”.

Chỉ có vạn sự thái bình, hải thanh hà yến.

Đến giờ, đã tròn ba trăm năm.

Đây là năm thứ ba trăm thần vắng bóng quỷ biệt tăm…

Từ đấy, nào những suối chảy non cao, bao phen gió lành trăng tỏ (2), sẽ mãi là cuộc tương ngộ nơi thế gian cõi người.

(2) “Suối chảy non cao, gió lành trăng tỏ”: nguyên tác là “cao sơn lưu thuỷ, thanh phong minh nguyệt”.

“Cao sơn lưu thuỷ” — được trích từ điển tích Bá Nha và Tử Kỳ, ý chỉ những người bạn tri âm tri kỷ, Bá Nha cho rằng chỉ có Tử Kỳ là người duy nhất nghe được tiếng đàn của ông. Khi gảy đàn cho Tử Kỳ nghe, Bá Nha nghĩ đến núi cao, thì Tử Kỳ cho biết tiếng đàn chơi vơi lên cao, khi Bá Nha nghĩ đến dòng nước chảy, Tử Kỳ cho biết tiếng đàn dồn dập như dòng nước. Tử Kỳ đã đoán trúng những tình cảm diễn biến trong nội tâm của Bá Nha. Chữ “cao sơn lưu thuỷ” do câu “Nga nga hồ chí tại cao sơn, dương dương hồ chí tại lưu thuỷ” nghĩa là: vòi vọi kìa chí tại non cao, mênh mông kìa chí ở dòng nước chảy. Về sau, Tử Kỳ bị bạo bệnh mất, Bá Nha đến tại mộ khóc han thảm thiết, xong liền đạp gảy đàn, vì ông cho rằng ngoài Tử Kỳ ra không còn ai là người biết thưởng thức tiếng đàn của ông.

“Thanh phong minh nguyệt” — gió mát trăng trong. Dùng để chỉ người thích làm bạn với thời tiết tốt. Trong sách “Thế thuyết” thuật lại: Tạ Huệ Liên thích giao du, nhưng hay lựa chọn người và không khinh suất. Trong nhà không thích khách lộn lạo (Môn vô tạp tân). Đôi khi ngồi một mình uống rượu say, ông nói: “Nhập ngô thất giả, dãn hữu thanh phong, đối ngô ẩm giả, duy dương minh nguyệt”, nghĩa là: Ai đến nhà ta, chỉ có gió trong quạt mát, cùng ta đối chén, nhân khi trăng sáng soi cao. Nghĩa bóng, thú vui tao nhã của những trang ẩn sĩ thoát tục.

— trích từ Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển —

– Hoàn chính văn –