Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 33: 33





Tuy nhiên Lý Tùng Nhất lại suy nghĩ rất thoáng, không hề tức giận với những bình luận chất vấn hay đặt nghi vấn về "Chuỗi thức ăn".

Cậu đã trải nghiệm bầu không khí điện ảnh thuần túy và không thực dụng tại Liên hoan phim Tây Nam, nơi tập hợp của một nhóm những nhà sáng tạo và nhà bình luận phim thực sự yêu thích điện ảnh.

Chỉ vì quá yêu thích, nên mới càng sợ mất đi mảnh đất thiên đường này.
Xét cho cùng, đã có quá nhiều câu chuyện "Sói đến rồi" trong ngành công nghiệp chiếu bóng.

Lời thề son sắt đảm bảo lương tâm sản xuất trong giai đoạn đầu hùng hồn bao nhiêu, thì lòng tham lộ ra trong bản chính thức xấu xa bấy nhiêu.

Và đối tượng luôn chịu tổn thương là những người tràn đầy kỳ vọng vào bộ phim.
Lý Tùng Nhất nghĩ, đến khi phim ra mắt thì tất cả xấu đẹp thật giả đều bại lộ hết.
Đương lúc Phương Hữu Hành và công ty phân phối thảo luận về buổi công chiếu của "Chuỗi thức ăn", Lý Tùng Nhất bỗng đưa ra đề nghị có thể chọn Tết Dương lịch là ngày mở màn.
Phương Hữu Hành thoáng do dự.

Dẫu các rạp chiếu phim trong ngày đầu năm mới không cạnh tranh bằng Lễ Quốc khánh hay Tết Nguyên Đán, nhưng chính vì thế mới có nhiều phim e ngại dịp Nguyên Đán mà xếp lịch chiếu trong Tết Dương lịch, chúng ta không nên đánh giá thấp áp lực cạnh tranh vào mùa này.

Hơn nữa trong những ngày nghỉ, mọi người thường ưa thích các phim ảnh dành cho gia đình.

Dù Phương Hữu Hành tự tin với năng lực của mình cách mấy cũng không cho rằng "Chuỗi thức ăn" với đề tài châm biếm có thể đánh bại một số bom tấn hài hước cùng với hiệu ứng đặc sắc.
Lý Tùng Nhất bảo rằng vào dịp Tết Dương lịch, phim truyền hình mới của cậu là "Truyền thuyết Thần Ma" hẳn đã phát sóng một thời gian.

Điều này ắt mang lại cho cậu những đánh giá tích cực và mức độ nổi tiếng ổn định, từ đó có cơ hội đột phá doanh thu phòng vé.
Phương Hữu Hành thấy vậy bèn không phản đối nữa, quyết đoán ấn định thời điểm công chiếu là ngày một tháng một năm sau.
*
Thời gian phát sóng của "Truyền thuyết Thần Ma" dự kiến vào cuối tháng mười một, đoàn phim đã dần quảng bá lịch chiếu và trailer trên diện rộng.

Để tránh tiết lộ nội dung, trailer không kể chi tiết câu chuyện mà chỉ giới thiệu thế giới quan rộng lớn và diễn biến cuộc truy tìm nguồn gốc của bảy linh căn.

Nhưng điều này đủ khiến cư dân mạng ồ lên thích thú.

Những cảnh quay đẹp mắt, hiệu ứng chân thực, trang phục tinh tế, chất lượng hình ảnh tân tiến, thậm chí có cả nhạc cổ phong* làm nền.

Phần cứng cơ bản đã đạt tới đỉnh cao hiếm có về chất lượng phim truyền hình trong nước.

Về phần cốt lõi, những câu thoại ngẫu nhiên xuất hiện trong trailer đều tràn đầy cảm xúc và giàu tính tự sự.

Khán giả chưa bao giờ mong đợi kỹ năng đài từ của diễn viên duy trì tốt ở mức này, chỉ cần chạm đến mức bảy mươi hoặc tám mươi phần trăm thì cả bộ phim đã rất ấn tượng, về cơ bản có thể tạo thành hot trend.


Hơn nữa kịch bản mới là điều quan trọng nhất, mọi người vừa thấy cái tên nhà biên kịch bảo chứng Lưu Hướng Tây đã an tâm phần nào.

Và chiêu trò của trailer chẳng những không khiến cư dân mạng có ác cảm, mà còn nhen nhóm ngọn lửa hy vọng trong họ.
[1] Nhạc cổ phong: là một phong cách âm nhạc Trung Quốc xuất hiện và nổi lên trong thế kỷ 21, đặc trưng bởi: ca từ cổ điển tao nhã, cách dùng từ đều đặn, có trật tự và được trau chuốt giống như bài thơ cổ, tác từ dựa trên điển tích, điển cố của Trung Quốc, thường có văn án.
Dạo gần đây Lý Tùng Nhất đang tập trung vào việc hợp tác tuyên truyền với đoàn phim, phải nói rằng chạy xuôi chạy ngược khắp trời nam biển bắc.

Ngoài ra cậu còn có nhiều cơ hội gặp gỡ các diễn viên chính như Tưởng Nghiêu và Châu Nghệ, mọi người thường xuyên tham gia gameshow và các tiết mục nhằm tuyên truyền cho bộ phim.

Có lẽ do Lưu Hướng Đông và Tưởng Nghiêu chột dạ nên đã ngầm chọn cách lảng tránh với những câu hỏi của phóng viên về kịch bản.
Bề ngoài đều tỏ ra vui vẻ, song không bao giờ thiếu kẻ kiếm chuyện.
Tỷ dụ như khi họ xuất hiện trong talkshow nổi tiếng nhất trên đài nào đó, MC đã cắc cớ hỏi Châu Nghệ: "Tưởng Nghiêu và Lý Tùng Nhất đều là trai đẹp nhất nhì, bạn thích người nào hơn?"
Châu Nghệ nói ngay: "Lý Tùng Nhất."
Hai mắt MC sáng rỡ: "Tại sao?"
Châu Nghệ cười tươi roi rói: "Vì tôi thích điểm này của cậu ấy."
MC bèn quay sang hỏi Tưởng Nghiêu: "Tưởng Nghiêu, bạn nghĩ sao về nữ chính của mình đang muốn trèo tường sang nhà người khác?"
Tưởng Nghiêu mỉm cười cách tự nhiên: "Anh hỏi cách nhìn của tôi, tôi không trả lời được.

Nhưng nếu anh hỏi vấn đề vừa rồi, tôi có thể đối đáp trôi chảy."
MC chưng hửng: "Vấn đề nào?"
Tưởng Nghiêu chỉ vào Châu Nghệ: "Châu Nghệ và Lý Tùng Nhất, tôi thích người nào hơn? Đáp án, Lý Tùng Nhất."
Lý Tùng Nhất nhún vai: "Ai gặp cũng mê, tôi biết làm sao đây."
MC cười khan, đôi khi đối tượng phỏng vấn có EQ quá cao nên chẳng thể gài bẫy.
Sau đó MC đưa ra một minigame theo kịch bản đã thương lượng trước với đoàn phim, chủ yếu để khách mời đọc diễn cảm vài đoạn văn của tác phẩm văn học cốt cho mọi người thấy kỹ năng đài từ của dàn diễn viên chính, thông qua đó thể hiện chất lượng thu tiếng trực tiếp của "Truyền thuyết Thần Ma".
Ngờ đâu tổ chương tình chơi lớn, tác phẩm thứ nhất kỳ thực là đoạn trích "Vua Trịnh đánh bại Đoạn ở đất Yên" trong "Tả truyện".

Mức độ trúc trắc chẳng ai sánh kịp trong thể loại văn ngôn*, có vô số ký tự lạ và ký tự mượn phiên âm*.
(*) Tả Truyện (左傳): hay Tả thị Xuân Thu là tác phẩm sớm nhất của Trung Quốc viết về lịch sử phản ánh giai đoạn từ năm 722 TCN đến năm 468 TCN.

Với phong cách hành văn dễ hiểu và cô đọng, Tả truyện cũng là một tác phẩm quý giá trong những văn bản kinh điển Trung Quốc.

Tác phẩm này và cuốn Sử ký Tư Mã Thiên được nhiều thế hệ coi là những khuôn mẫu văn chương có phong cách duy nhất thời Trung Hoa cổ đại.
[2] Văn ngôn hoặc cổ điển Hán văn: là một loại ngôn ngữ viết dựa trên khẩu ngữ tiếng Hán thượng cổ, là ngôn ngữ văn chương cổ điển từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến hết thời nhà Hán, và vẫn tiếp tục dùng trong sách vở, kinh điển truyền thống cho đến thế kỷ 20.
[3] Ký tự mượn phiên âm (通假字/ Thông giả tự): một hình thức của phép giả tá, vay mượn âm của chữ khác để tạm thay thế chữ gốc, từ đó ước định mà thành (theo Võ Trung Định).
Tưởng Nghiêu và Châu Nghệ biến sắc rõ, thoạt nhìn có vẻ không biết mấy chữ; chẳng qua nếu nhìn kỹ thì biết tất cả, song khi đặt chúng với nhau lại chẳng hiểu ý nghĩa là gì.
MC cười khà khà: "Ai là người đọc đoạn đầu tiên?"
Châu Nghệ ném "củ khoai nóng" cho Tưởng Nghiêu: "Tôi là học sinh kém, để nam chính ra sân trước đi.


Tôi nhớ Tưởng Nghiêu đạt điểm cao nhất trong kỳ kiểm tra nghệ thuật văn hóa, mọi người cũng hay bảo cậu ấy là học sinh xuất sắc đó."
Tưởng Nghiêu cười gượng, ném "củ khoai nóng" cho người bên cạnh: "Thôi, cho Tùng Nhất thử trước.

Tùng Nhất không học khóa diễn xuất, chắc hồi đại học xem nhiều sách vở hơn tôi."
MC hướng sự chú ý đến Lý Tùng Nhất, và điều khiến hắn mừng rơn là không có ai đứng sau cho cậu đùn đẩy.
Lý Tùng Nhất chưa từng nghĩ tới việc đùn đẩy cho người khác.

Cậu nhìn màn hình, đọc lớn: "...!Sái Trọng* nói: Đô thành quá trăm trĩ là cái hại của nước..."
[4] Sái Trọng (祭仲): thường dịch là Tế Trọng, đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.

Chữ "祭" đọc là ji (Tế), nhưng ở văn cổ thì đọc là zhai (Sái).
MC ngạc nhiên, mặc dù cách phát âm hiện đại của chữ "Tế" là ji, nhưng thực ra nó đọc là zhai trong văn cổ này.

Nhiều người hay đọc sai, nào ngờ Lý Tùng Nhất lại đọc đúng.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là cách đọc của Lý Tùng Nhất rất bắt tai, nhịp điệu vừa phải và còn trôi chảy tự nhiên.
MC sững người hồi lâu, ngỡ như đã trở về thời sinh viên khi đang theo học phát thanh viên và dẫn chương trình.
Lý Tùng Nhất vừa kết thúc màn thử thách, MC đã hỏi đùa rằng: "Tùng Nhất, đừng nói với tôi bạn là giáo viên ngữ văn trước khi trở thành diễn viên nhé?"
Lý Tùng Nhất cụp mắt, cười nhẹ: "Tôi chỉ có chút kiến thức về mảng này thôi."
Sau khi tập này phát sóng, người hâm mộ đã gán thêm danh hiệu "học sinh giỏi" cho Lý Tùng Nhất.

Tuy rằng có thể đọc trôi chảy một áng văn cổ chưa phải là gì ghê gớm, nhưng trong làng giải trí – nơi mà trình độ văn hóa nói chung còn thấp, thì sự bình tĩnh của cậu khi đọc diễn cảm quả thật khiến mọi người nể phục.
Thực ra có một giáo sư khoa tiếng Trung của trường đại học nào đó đã nhận xét về màn trình diễn của Lý Tùng Nhất trên Weibo như sau: Ngắt nghỉ chính xác, thể hiện cảm xúc đúng chỗ.

Tôi nhất định sử dụng nó làm mẫu cho sinh viên.

Khi nào sinh viên Trung Quốc có thể đọc "Tả truyện" một cách trôi chảy như thế, thì việc kế thừa các nghiên cứu quốc học chẳng cần lo lắng nữa.
Với lời nhận xét từ chuyên gia, Lý Tùng Nhất rốt cuộc đã sở hữu một lợi thế đáng bàn cãi ngoài nhan sắc của mình.
Đến cận ngày phát sóng, Lý Tùng Nhất vội vàng bảo Khang Kiều tạm thời đừng nhận bất kỳ hạng mục nào nữa, cậu thật lòng cần phải nghỉ ngơi một thời gian thôi.
Khang Kiều sầu thúi ruột, cường độ tham gia tuyên truyền trên đài chừng năm lần một tháng thực ra là đang dưỡng lão trong giới giải trí, nào có ai như Lý Tùng Nhất rệu rã thành con cá khô chứ.
"Truyền thuyết Thần Ma" do hai anh em Lưu Hướng Đông sản xuất đã thu hút nhiều sự chú ý từ trước khi phát sóng; còn có nam thần cổ trang Tưởng Nghiêu, nữ thần đình đám Châu Nghệ và thần tượng mới nổi Lý Tùng Nhất, thành thử tỷ suất người xem theo thời gian thực của tập đầu tiên đã đạt ba phần trăm, và thị phần chiếm khoảng tám phần trăm.
Điều này ắt hẳn mang đến một luồng gió mới cho thị trường phim truyền hình đang trên đà tụt dốc.
Mức độ phổ biến trên mạng của "Thần Ma" càng cao hơn, lượng tìm kiếm lẫn lượng chú ý trên bảng xếp hạng phim truyền hình Weibo đã lọt vào top đầu với ưu thế cực lớn.

Và những khán giả hết lòng kỳ vọng vừa xem đến phút thứ mười đã phán rằng —— Đích thị là phim hay; để rồi không ngừng xuýt xoa —— Quay đẹp quá!
Trong khoảng thời gian quảng cáo sau khi tập đầu tiên phát sóng, khán giả đã đăng Weibo và vòng bạn bè kêu gọi mọi người xem phim.

Tập đầu tiên hé lộ phần nổi của "tảng băng chìm" đã cho phép khán giả lờ mờ có cái nhìn thoáng qua về một thế giới quan hoàn chỉnh và khổng lồ.

Đạo cụ lẫn hóa trang tinh tế; kỹ xảo tiên tiến hệt như trailer, có thể gọi là chế tác có tâm.
Gây bất ngờ nhất là Lý Tùng Nhất.

Giang Tầm Dương năng động do cậu thủ vai còn điển trai hơn so với những bức ảnh tạo hình.

Mỗi cử chỉ và lời nói của cậu đều toát lên phong vị quyến rũ, lời khen khuôn mặt đẹp tựa tranh vẽ quả tình không ngoa chút nào.
Giang Tầm Dương ra mắt khán giả là khi hắn tìm ra mật thất trên gác xép, tuy không phải cảnh hành động nhưng vẫn có vài phân đoạn lộn nhào và nhảy tường; thân thể uyển chuyển dẻo dai khiến đôi mắt mọi người rực sáng, song màn tiếp theo mới là cảnh nhận được vô vàn lượt thích từ khán giả.
Chẳng hề có ý đồ dâm mỹ, cảnh tượng "sắc mà không tục" này đã trở thành tiêu điểm đầu tiên của "Truyền thuyết Thần Ma".
Có lẽ mọi người trong đoàn phim và kể cả Lý Tùng Nhất cũng không ngờ từ khóa khó tả "Lý Tùng Nhất XX" lại có mặt trong hotsearch.
Sau khi tập đầu tiên phát sóng, lượng người hâm mộ trên Weibo của Lý Tùng Nhất đã tăng vọt hơn trăm vạn.
Tưởng Nghiêu ném phăng chiếc điều khiển TV xuống đất.

Hắn gân cổ, quát: "Cái quần gì vậy?"
Tại sao Giang Tầm Dương có "Dục vọng ác niệm" khỉ gió nào đó?
Nội dung hoàn toàn không khớp với kịch bản của hắn!
Tưởng Nghiêu tức giận đến mức trán nổi gần xanh, lồng ngực phập phồng kịch liệt.

Hắn tức tốc gọi điện thoại cho Lưu Hướng Tây.
Lưu Hướng Tây dường như đang chờ cuộc gọi này.

Cô vừa bắt máy thì Tưởng Nghiêu đã xổ tràng giang đại hải: "Lưu Hướng Tây, kịch bản bị cái mẹ gì vậy hả? Lý Tùng Nhất là kẻ phản diện khốn nạn mà? Ai viết lại tính cách của nó? Tại sao tôi không biết cái gì cả? Mấy người hợp sức chơi tôi, đúng không?"
Lưu Hướng Tây sợ đến nỗi không thốt nên lời.
Tưởng Nghiêu cũng nhận ra giọng điệu của mình quá khích.

Hắn hít sâu một hơi, miễn cưỡng lấy lại chút bình tĩnh: "Hướng Tây, anh sốc quá.

Không phải anh muốn làm dữ với em.

Nhưng mọi người quá đáng thật, kịch bản sửa thành vậy mà không ai nói một tiếng với anh.

Cố ý à?"
Lưu Hướng Tây thấp giọng: "Em muốn nói với anh, nhưng Lý Tùng Nhất không cho."
"Lý Tùng Nhất không cho thì em không làm? Nó là bạn trai em hay anh là bạn trai em?" Tưởng Nghiêu nói một hồi lại cáu lên.

"Rốt cuộc ai sửa kịch bản hả?"
"Lý Tùng Nhất."
"Em là biên kịch! Dù em đồng ý cho nó sửa, nhưng anh trai em cũng đồng ý quay tiếp hả? Mẹ kiếp, còn giấu anh nữa chứ! Mấy người coi anh là thằng ngu ư?"
Lưu Hướng Tây cũng cau có vì bị một người đàn ông to tiếng.

Cô cao giọng: "Lý Tùng Nhất có chủ tịch chống lưng, anh trai và em còn làm gì được nữa?"
"Chủ tịch có tư cách gì..." Tưởng Nghiêu khựng lại, đoạn ngồi phịch xuống sô pha.


"Chủ tịch? Trần Đại Xuyên? Ảnh thân với Lý Tùng Nhất thật sao?"
Lưu Hướng Tây sụt sùi: "Em chỉ biết vai Giang Tầm Dương là do chủ tịch đích thân chọn cho Lý Tùng Nhất.

Em đã sửa nát phiên bản đầu tiên mà chủ tịch thích.

Nếu ảnh biết, em và anh trai nhất định khăn gói khỏi công ty.

Ngoại trừ nghe theo Lý Tùng Nhất, không còn cách nào khác nữa."
Tưởng Nghiêu ngỡ ngàng, vẻ mặt như không tài nào tin nổi.
Thật lâu sau, Tưởng Nghiêu nghiến răng: "Vậy mắc gì em không báo cho anh? Em cứ trơ mắt nhìn anh đâm đầu vào chỗ chết, chơi vui không? Em có còn xem anh là bạn trai không hả?"
Lưu Hướng Tây nghẹn ngào: "Vậy anh có coi em là bạn gái sao?"
Cô nói xong bèn cúp điện thoại.
Lưu Hướng Đông nhìn em gái mà đau lòng khôn kể.

Anh không dám chọc thẳng vào vết thương của cô, đành bảo: "Có phải như anh đã nói, nó chưa gì đã chửi em xối xả...!Đúng không?"
Hết chương 32
Chú thích câu chuyện "Sói đến rồi": Trên một sườn núi có một bãi cỏ non xanh, có một cậu bé chăn cừu hàng ngày đều lùa cừu đến đây.

Một hôm, cậu bé thấy rất buồn chán, muốn làm một việc gì đó, nó chợt nảy ra một sáng kiến.

Cậu bé chum hai tay trước miệng và hô hoán: "Chó sói, chó sói đến!"
Thế là các bác nông dân trong làng vội vàng vác rìu, vác xẻng chạy lên núi, lên đến nơi mọi người mệt đến bở hơi tai.

Các bác nông dân nhìn khắp lượt mà không thấy sói đâu, bèn hỏi: "Sói đâu rồi? Chúng ở đâu?" Cậu bé nhìn thấy dáng vẻ nôn nóng của mọi người thì cười đắc chí: "Thú vị quá! Các bác các chú bị mắc lừa rồi, vui quá!" Các bác nông dân trong làng biết mình bị cậu bé chăn cừu lừa, ai cũng tức giận và bỏ xuống núi.
Ngày hôm sau, cậu bé chăn cừu lại chơi tiếp trò cũ và hốt hoảng kêu: "Chó sói, chó sói đến!" Nghe thấy tiếng kêu của cậu bé chăn cừu, các bác nông dân hiền lành lại dừng công việc đang làm.

Một bác nói: "Cậu bé chăn cừu lần trước lừa chúng ta, lần này chắc là sói đến thật rồi nhỉ?" Thế là, các bác nông dân lại vội vàng vác cuốc, xẻng lên núi, khi đến nơi ngay cả bóng dáng con sói cũng chẳng thấy.
Bác nông dân hỏi: "Này, cậu bé.

Chó sói đâu?" Nhìn thấy mọi người mệt thở hổn hển, cậu bé lại cười săng sặc: "Các bác các chú thật là dễ bị lừa, vui quá!" Các bác nông dân vô cùng tiếc giận vì cậu bé chăn cừu nói dối hết lần này đến lần khác.

Một bác nông dân nói lớn: "Cháu lừa chúng ta như vậy, sau này chúng ta không tin cháu nữa."
Nói rồi, các bác nông dân xuống núi làm tiếp công việc của mình.

Thế nhưng, cậu bé chăn cừu không thấy xấu hổ chút nào, ngược lại còn cảm thấy rất thú vị: "Vui quá, thật là vui!"
Vài hôm sau, có một con sói xuất hiện thật, nó xông vào đàn cừu.

Cậu bé chăn cừu sợ đến mức, chân tay run lẩy bẩy và kêu lên: "Trời ơi, sói đến thật rồi!" Lúc này, cậu bé nghĩ tới các bác nông dân đang làm việc dưới núi, hoảng hốt hô lớn: "Sói đến, mau đến cứu đàn cừu của cháu với! Chó sói thật đến rồi!" Tuy các bác nông dân nghe thấy tiếng kêu, nhưng mọi người đều không tin vì đã có bài học từ 2 lần trước.

"Lại muốn lừa bọn mình...!Bọn ta không để bị mắc lừa lần nữa đâu." Các bác nông dân cho rằng đây chẳng qua là trò đùa của cậu bé chăn cừu.

Cuối cùng, cả đàn cừu đều bị chó sói ăn thịt hết..